Một vấn đề mà ít người đề cập nhưng tôi cho là rất quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống của nhiều người trẻ bây giờ là vấn đề quản lý thời gian. Các bạn trẻ thì năng động và nhiều cơ hội để nắm bắt song chính vì thế lại dễ bị phân tâm và thiếu tập trung. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống hiện đại hối hả và phong phú các mối quan hệ, tương tác và thông tin nhiều chiều như bây giờ thì một ngày bạn ăn, ngủ và lướt facebook là đã hết thời gian. Nếu bạn không tập trung được vào các mục tiêu quan trọng của mình thì điều đó phản ánh một điều là bạn không có kỹ năng quản lý thời gian. Nghiện công việc, nghiện facebook, nghiện xem phim hay những thứ thuộc vể sở thích… thì đó chính là câu chuyện về quản lý thời gian. Giới trẻ Việt Nam đang vận hành cuộc sống một cách đầy cảm tính, thiếu định hướng, và vì thế càng khó hội nhập với thế giới. Bởi trong một thế giới phẳng, người ta phải quen với việc sống và làm việc có nguyên tắc hơn, có tính kế hoạch và đặc biệt là đúng thời gian hơn. Chính vì vậy, tôi cho rằng kỹ năng quản lý thời gian là một kỹ năng mềm, thậm chí là “cương lĩnh” sống tối cần thiết cho người trẻ Việt Nam trong thời hội nhập. Hiểu một cách giản dị hơn thì biết quản lý thời gian là biết lập kế hoạch cho cuộc sống của mình, tức là biết cách lựa chọn ngay khi bạn còn rất trẻ. Người trẻ thường ôm tất cả mọi thứ vào mình, nhưng biết lựa chọn phải là một phẩm chất. Lựa chọn tất nhiên luôn khó khăn. Chọn cái gì nên làm, cái gì không nên làm, cái gì cần dành nhiều thời gian để làm, hay cái gì cần ít thời gian…, để thời gian dành cho việc này không xâm lấn vào thời gian dành cho công việc khác. Nhưng chúng ta buộc phải chọn lựa để có thể kế hoạch hoá cuộc sống của mình có định hướng và văn minh. Khi đó chúng ta mới có thể thực hiện được các mục tiêu và sống theo cách chúng ta muốn.
“Tôi mua cơm cho bạn nhé”. Mới đầu nghe lời đề nghị này không ít người Việt Nam sẽ cảm thấy giật mình. Sao người Hàn Quốc có thể nói thẳng như thế nhỉ? Vâng, ấn tượng của tôi trong những ngày đầu tiên được trực tiếp trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc là như thế. Mặc dù được học tiếng Hàn, tiếp xúc với người Hàn và tự tin rằng phần nào hiểu được văn hóa Hàn Quốc vì có 4 năm ngồi trên ghế giảng đường của bộ môn Hàn Quốc học nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng bất ngờ khi nghe thấy lời nói ấy. Phản ứng của tôi khi đó là mặt nghệt ra một lúc rồi vội vàng “không, không, chị không cần mua cơm cho em đâu”. Chị bạn cùng lớp bật cười trấn an “văn hóa của Hàn Quốc mà em, không cần nghĩ nặng nề như thế đâu. Em cứ hiểu đơn giản thôi. Tức là người bảo sẽ mua cơm cho em rất quý mến em, hoặc đơn giản muốn cảm ơn, cũng có thể là thay lời xin lỗi, tùy vào hoàn cảnh”. Nếu hỏi tôi ấn tượng gì về văn hóa của Hàn Quốc, không cần nghĩ lâu tôi sẽ ngay lập tức trả lời rằng đó là “văn hóa mua cơm”. Nghe từ này có thể hơi lạ nhưng với những người đã từng được tiếp xúc với người Hàn, am hiểu văn hóa của đất nước này chắc chắn không có gì ngạc nhiên cả. Khi muốn thân thiết hơn với một người, khi muốn xin lỗi một người, khi muốn thể hiện lòng biết ơn tới một người. Đơn giản thôi người Hàn sẽ đưa ra một đề nghị rất mộc mạc là “tôi sẽ mua cơm cho bạn nhé”. Sống ở Hàn Quốc một thời gian, tôi dần quen với câu nói đó. Không những thế, tôi cũng đã biết cách sử dụng cụm từ này đúng hoàn cảnh, mục đích. Tôi đã vui sướng biết bao khi cảm nhận được sự xúc động của chị bạn người Hàn mới trải qua chuyện buồn khi nhận điện thoại của tôi. “Chị à, hôm nay dành thời gian cho em nhé, em sẽ mua cơm cho chị”. Và chúng tôi đã cùng nhau ăn cơm, vừa ăn vừa tâm sự, tám đủ chuyện trên trời dưới bể. Đúng thế, việc mua cơm cho đối phương chính là cách tạo nên một không gian riêng để hai người có thể chuyện trò với nhau, để cho một mối quan hệ từ sơ trở nên thân, từ thân có thể thấu hiểu nhiều hơn về nhau. Vì thế, nếu một người Hàn Quốc nói muốn mua cơm cho bạn thì đừng băn khoăn ngại ngùng nhé. Hẳn là người ấy đang muốn thể hiện thành ý, sự thân thiết với bạn hơn mà thôi.